Sinh Viên Mai Khôi

--Sinh Viên Mai Khôi--: Bài dự thi: “Cảm nhận về mùa giáng sinh.” NHỮNG MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH.

21 tháng 8, 2010

Bài dự thi: “Cảm nhận về mùa giáng sinh.” NHỮNG MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH.

NHỮNG MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH.


“Gió đông qua trước hiên nhà, xào xạc lá rơi đầy khắp sân…”. Sáng nay khi thức dậy, bất chợt nghe được những câu hát đó trong ca khúc “Nỗi Nhớ Đóng Băng” do ca sĩ Xuân Mai và Nhóm Kio Band trình bày và thời tiết se lạnh, tôi cảm nhận được mùa
đông đã đến, cảm nhận được một mùa Giáng Sinh đang gần kề với thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Cái cảm giác lành lạnh, gió thổi bắt vào làn da, tạo nên cảm giác rùng mình, nổi gai ốc. Có thể nói đó là cảm giác của sự lạnh lẽo, cô đơn nhưng cũng lâng lâng thật khó tả. Nó làm tôi nhớ về nhiều kỷ niệm trong quá khứ. Điều tôi nhớ nhất là cũng vào dịp đông đến, cũng với thời tiết giá rét như vậy, tôi cùng những đứa bạn thời ấu thơ vui đùa với nhau, đào lò để đốt lửa và sưởi ấm với những vật dụng, nhiên liệu “sẵn có” như: bếp tự chế từ những viên gạch phơi, bã mía, cành củi khô từ những cây đã chết vì cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông... và cùng nhau nướng khoai, sắn để ăn. Lúc đó mặt mày đứa nào cũng lấm lem, nhưng vẫn cười đùa một cách hồn nhiên, ngây thơ. Khi đó tôi vẫn ở ngoài Bắc, chưa di cư vào Nam nên tôi cảm nhận được cái lạnh của Miền Bắc đặc biệt hơn, cảm nhận được hương vị thật của mùa đông hơn. Nhưng cái lạnh của Miền Bắc cũng khắc nghiệt hơn, nó rất vô tình, tấn công không chừa một ai. Tôi còn nhớ rõ trong mùa đông lạnh lẽo, chạm tay vào nước là lạnh cóng rồi, suốt ngày co ro, chỉ muốn nằm đắp chăn ngủ. Vậy mà những người dân quê tôi vẫn phải thức khuya dậy sớm làm đót, làm sắn. Vì đó là mùa làm đót (tôi chẳng nhớ rõ hình dạng của củ đót như thế nào nữa) và làm sắn, mà chủ yếu là làm ban đêm. Cái nghiệt ngã dường như đến một cách ngẫu nhiên, vì thời vụ sản xuất và làm ăn chính của họ lại rơi đúng vào mùa đông giá rét. Không những thế, ban ngày họ vẫn phải ra đồng cày, cấy. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên chẳng giúp đỡ được nhiều cho gia đình và cha mẹ tôi. Có một lần tôi chứng kiến một người đàn ông trong làng thức dậy từ lúc 1h đêm, kéo xe cải tiến lên chỗ xe tải đổ sắn và đót, chỉ vì muốn sớm có được sắn và đót mang về nhà làm. Nhưng vì lên đến nơi còn sớm, xe chưa đến, ông ta bèn lấy tấm chăn mỏng ra đắp lên người và tranh thủ chợp mắt thêm một tí. Thế rồi có lẽ vì trời lạnh, đắp chăn thì ngủ ngon nên ông ấy ngủ quên mất. Khi xe tải chở đót và sắn tới thì những người khác bốc hết hàng về làm, cũng chẳng để ý đến ông ấy nữa. Có lẽ nếu thấy ông ấy, họ cũng không quan tâm, họ chỉ cần biết có hàng để bốc về làm. Cái khó khăn, cái khẩn trương, cái gấp gáp và gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đã làm thoái hóa một phần đạo đức và tình người. Tôi cũng chẳng biết gì, lúc ông ta tỉnh dậy, kể lại sự tình, tôi mới hiểu ra vấn đề. Lúc thấy ông ta ngủ ngon lành như vậy, tôi tưởng rằng ông ta đang nằm chờ ai đó, hay chờ chuyến xe khác tới. Bất chợt, tôi thấy thương ông ấy rất nhiều! Tôi tự hỏi: “Đến bao giờ dân làng tôi nói riêng và người nghèo nói chung mới thoát nghèo và đỡ khổ?”. Còn rất nhiều chuyện bi hài như thế đó! Nhưng đó là những chuyện của quá khứ, vậy mà không ai nhắc, cũng không hiểu vì sao tôi lại nhớ đến những chuyện đó với một cảm giác khó tả như vậy. Gia đình tôi đã di cư vào Nam, định cư tại Tây Ninh – quê hương thứ hai của tôi. Tôi không bao giờ quên nơi tôi đã sinh ra, không quên nguồn cội của mình, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Ông bà, cô chú, anh chị em tôi vẫn sống hầu hết ở ngoài Bắc. Tôi nhớ họ rất nhiều, nhất là vào dịp Đông đến. Có lẽ vì cái cảm giác lạnh lẽo của mùa đông trong miền Nam không thể nào giống với cảm giác mùa No-el đã khắc vào da thịt khi tôi còn ở miền Bắc. Mỗi mùa Giáng Sinh là dịp để gia đình sum họp, trao tặng cho nhau tình yêu thương, tình yêu của Thiên Chúa và đón nhận ân huệ Chúa Hài Đồng ban tặng cho mỗi gia đình. Vì vậy tôi càng nhớ và muốn về thăm quê hương. Do điều kiện học tập, hoàn cảnh gia đình, tôi không thể về thăm ông bà và người thân ở ngoài Bắc. Tôi chỉ có thể cầu chúc cho họ những điều tốt đẹp nhất, trao tặng cho họ tình cảm thông qua lời cầu nguyện, lời hỏi thăm và chúc sức khỏe, tin tưởng hồng ân của Chúa và Mẹ Mariasẽ tuôn đổ xuống họ, nhất là vào dịp Giáng Sinh. No-el đang đến gần, thế mà vì nhiệm vụ học tập, tôi vẫn đang phải ở lại Sài Gòn. Xa nhà, xa cha mẹ và quê hương, làm tôi nhớ họ da diết. Vì không những họ là người thân, là ruột thịt của tôi, mà còn vì Tây Ninh – có lẽ là nơi dừng chân cuối cùng của gia đình tôi, là nơi tôi lớn lên, tôi cũng đã có thật nhiều kỷ niệm ở đó. Ơ nơi đó, tôi có gia đình, có mái nhà ấm cúng, có tình yêu thương của gia đình, có bạn bè, thầy cô và có một giáo họ Hòa Thạnh đang lớn mạnh lên qua từng ngày. Nhắc đến giáo họ của mình, tôi vừa vui mừng nhưng cũng vừa trăn trở. Vui mừng vì số lượng giáo dân trong giáo họ ngày càng phát triển, nơi đó có những người con ngoan đạo, sốt sắng, sẵn sàng dấn thân phục vụ giáo họ, phục vụ việc loan báo Tin Mừng của Chúa. Nơi đó tôi chứng kiến giáo họ đi từ sơ khai, trải qua nhiều chặng đường và phát triển được như ngày hôm nay. Hàng năm luôn có nhiều hoạt động, nghi lễ, nhất là vào dịp Giáng Sinh và Trung Thu. Mỗi lần như vậy tôi cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ từ nhiều vị Mạnh Thường Quân, nhiều nơi đến giáo họ, giáo dân và đặc biệt là trẻ em ở quê hương tôi. Từ đó tôi cảm nhận được tình người, tình yêu Thiên Chúa đổ tràn xuống giáo họ. Nhất là dịp lễ No-el năm ngoái có đoàn sinh viên Mai Khôi ở Sài Gòn và Cha, Thầy linh hướng về phục vụ Đại Lễ Giáng Sinh và trao quà cho các em nhỏ trong giáo họ, biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc và tạo ra nhiều trò chơi, giao lưu bổ ích và vui vẻ cho các em thiếu nhi. Nhìn vẻ mặt ngây thơ, cười đùa vui vẻ của các em thiếu nhi và niềm hãnh diện, vui sướng của giáo dân quê tôi, tôi thục sự rất cảm động và cảm nhận được tình yêu, sự trao ban hồng ân của mọi người cho nhau, cảm nhận được niềm vui của tất cả con chiên khi đón chào Đấng Cứu Thế giáng trần. Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn không khỏi băn khoăn; băn khoăn vì chưa thể làm gì nhiều để phát triển giáo họ, băn khoăn vì phải làm sao để cho các giáo dân gắn bó hơn, một lòng một dạ cùng nhau xây dựng giáo họ lớn mạnh hơn nữa, trước hết là nhanh chóng cố gắng đưa giáo họ phát triển lên giáo xứ. Và khi nhìn các bạn sinh viên Mai Khôi tổ chức các trò chơi, phục vụ các tiết mục văn nghệ, tôi tự hỏi: “Bao lâu nữa thì những người trong giáo họ chúng tôi có thể tự mình tổ chức các hoạt động, công tác hoành tráng như vậy?”
Tuy nhiên, tôi tin rằng, với ân huệ Chúa luôn ban xuống cho giáo họ, với lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết của giáo dân, sự linh hướng của Cha và các Thầy, kết hợp với sự giúp đỡ, tài trợ từ nhiều phía, chắc chắn giáo họ sẽ thực hiện được những mục tiêu đề ra.
Hy vọng mùa Giáng Sinh năm nay, chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa, cảm nhận được nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Sẽ có một mùa Giáng Sinh an bình, tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa, đầy ắp tình thương, tình người mà ta trao tặng cho nhau. Mà tôi thiết nghĩ, để làm được những điều đó, cần có sự chung tay, góp sức của nhiều người. Tôi cùng cầu nguyện với Chúa, xin Người hãy đưa những tấm lòng của các bậc ân nhân, các tổ chức từ thiện, các món quà của ông già No-el không những đến với các em nhỏ, mà còn đến với các người nghèo khổ, cơ nhỡ, người vô gia cư, người nghèo và thiếu thốn về nhiều mặt trong cuộc sống hằng ngày. Những người mà sinh viên chúng tôi thường gọi là “homeless” – người vô gia cư, đang sống lay lắt ở khắp nơi trong thành phố này, nhiều nơi trong đất nước Việt Nam và trên thế giới. Tôi cũng mong rằng giáo họ của tôi nói riêng và toàn thể giáo dân Hội Thánh trên khắp địa cầu nói chung sẽ có một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc, được thấy những tiếng cười của các em nhỏ, niềm vui sướng của mọi người như khi đoàn sinh viên Mai Khôi về làm công tác phục vụ mùa No-el năm ngoái vậy! Để mỗi dịp đông về, chúng ta lại hân hoan, háo hức đợi chờ ngày Chúa Hài Đồng giáng trần. Mọi người sẽ vui sướng, tin tưởng, hạnh phúc và luôn miệng ca vang: “Một mùa Giáng Sinh an lành, tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa đang đến gần!”
Giuse Nguyễn Tiến Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thiet ke nha dep nha pho depbiet thu dep