Sinh Viên Mai Khôi

--Sinh Viên Mai Khôi--: KỸ NĂNG TRẠI. (st) NHỮNG YẾU TỐ CỦA MẬT THƯ

26 tháng 8, 2010

KỸ NĂNG TRẠI. (st) NHỮNG YẾU TỐ CỦA MẬT THƯ




NHỮNG YẾU TỐ CỦA MẬT THƯ
Mật thư là từ Việt dịch rất sát từ cryptogram có gốc tiếng Hy Lạp kryptos : giấu kín, bí mật và gramma : bản văn, lá thư. Mật thư có ý nghĩa đơn giản là
một bản tin được viết bằng các ký hiệu bí mật hoặc bằng các ký hiệu thông thường nhưng theo một cách sắp xếp bí mật mà người gởi và người nhận đã thỏa thuận trước với nhau nhằm giữ kín nội dung trao đổi.

Các ký hiệu và cách sắp xếp ấy gọi chung là mật mã ( cipher, code ), muốn hiểu được nội dung của mật thư thì phải khám phá những bí mật của ký hiệu và cách sắp xếp. Quá trình khám phá ấy gọi là giải mã ( decipherment ).

Mật mã gồm 2 yếu tố : Hệ thống và Chìa khóa.

1. Hệ thống :

Mật thư được hệ thống theo mã hóa nào đó do người gởi và người nhận cùng đồng ý trước vối nhau. Hệ thống này gồm những quy định bất biến, những bước tiến hành nhất định. Ví dụ đơn giản nhất là hệ thống đọc ngược.

Đọc ngược cả bản văn :

NIT GNOM GNAĐ – ĐANG MONG TIN

Hoặc đọc ngược từng từ :

GNAĐ GNOM NIT

Hoặc đọc ngược từng từ và viết tách nhóm :

GNA ĐGN OMN ITX

Mẫu tự X là ký hiệu trống ( nuli ), vô nghĩa được thêm vào cho đủ nhóm.

Các hệ thống rất phong phú nhưng có thể quy về ba dạng cơ bản này :

a. Hệ thống thay thế ( substitution ) :

Mỗi mẫu tự của bản tin được thay thế bằng một ký hiệu mật mã. Ví dụ các mẫu tự được thay thế bằng số :

A B C D E F G ……X Y Z

1 2 3 4 5 6 7 ……24 25 26

Và như thế

4.4.9 – 7.1.1.16.19 = DDI GAAPS ( ĐI GẤP )

b. Hệ thống dời chỗ ( transposition )

Hệ thống này không dùng ký hiệu, nhưng chuyển dịch xáo trộn trật tự những mẫu tự của mỗi tiếng hoặc trật tự các tiếng của bản tin.

Ví dụ : bản tin HÃY CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG được mã hóa theo hệ thống dời chỗ kiểu “ đường ray “ như sau :

H Ã Y C H U Ẩ N B

Ị L Ê N Đ Ư Ờ N G

Mật thư : HỊÃ LYÊ CNH ĐUƯ ẨỜN NBG

c. Hệ thống ẩn giấu ( concealment ) :

Gọi là mật thư ẩn giấu khi các yếu tố của bản tin vẫn giữ vị trí bình thường và không bị thay thế bằng các ký hiệu nhưng lại được ngụy trang dưới một hình thức nào đó, chẳng hạn như :

· Bản tin được viết bằng nước ép từ trái chanh. Người nhận thư hơ tờ giấy vào ngọn lửa, chữ viết hhiện lên màu nâu.

· Bản tin được viết xen kẽ với các từ khác để trở thành một bản văn trong sáng hoặc có ý nghĩa bình thường.

Ví dụ : bản văn ANH CẢ VẪN ĐỘI MŨ ĐẾN NHÀ GẶP BA TÔI ẩn giấu bản tin thật CẢ …… ĐỘI …… ĐẾN …… GẶP…… TÔI.

Ngoài ra người ta còn có thể kết hợp ba hệ thống nói trên với nhau để làm tăng thêm tính phức tạp của mật thư.

Ví dụ : bản văn ANH CẢ …… được mã hoá bằng tín hiệu MORSE ( hệ thống thay thế ) và ghi chú “ một sống một chết “ ( hệ thống ẩn giấu ). Người nhận thư trước hết phải chuyển ký hiệu MORSE thành bản văn, sau đó gạch bỏ một từ ( chết ) và giữ lại từ ( sống ) để có bản tin thật.

2. Chìa khoá :

Để nâng cao tính bí mật của bản tin, người gởi và người nhận còn đồng ý sử dụng thêm một chìa khóa. Người thứ ba tuy biết được hệ thống nhưng không có chìa khóa cũng khó giải được mật thư.

Chìa khóa có thể là một tiếng, một từ, một nhóm, hoặc những số đếm chen vào bản tin ở bất cứ vị trí nào tùy theo sự thỏa thuận trước của 2 bên trao đổi mật thư.

Mời các bạn theo dõi mật mã trình bày từng bước dưới đây.

Bản tin : THU DỌN LỀU TRẠI NGAY BÂY GIỜ.

Hệ thống dời chỗ kiểu “ đếm cột dọc “ .

Chìa khóa : CAM RANH

Trước hết phải chuyển dấu của bản tin sang ký hiệu bưu điện. :

THU DONJ LEEUF TRAIJ NGAY BAAY GIOWF

Đánh số thứ tự cho các mẫu tự của chìa khóa rồi chép bản tin xuống dưới như sau :



Mẫu tự A thứ nhất được đánh số 1 , mẫu tự A thứ hai được đánh số 2. Vì không có B nên C mang số 3, cứ thế tiếp tục cho đến khi tất cả các mẫu tự của chìa khóa đều có số.

Mật thư được ghi ra theo thứ tự các cột dọc tương ứng với 7 mẫu tự của chìa khóa.

HEIAF OFGG TLABW JRYO UEJA NTAI DUNY

Trong ngành tình báo người ta thường dùng các loại mật mã có khóa như mật mã chúng ta vừa thực hiện trên đây.

Trong khuôn khổ các buổi trại vui phần nhiều các mật mã đều thuộc loại không dùng đến chìa khoá.

Có lẽ một số bạn thắc mắc “ ồ, mỗi lần chơi mật thư tôi thấy hầu như luôn luôn có ghi chú chìa khóa kia mà “. Thật ra hầu hết các chìa khóa dùng trong các mật thư sinh hoạt trại đều không phải là chìa khóa đúng nghĩa như đã trình bày trên đây.

Thông thường, phần ghi chú rơi vào một trong ba trường hợp sau, mà hầu hết là 2 trường hợp đầu.

Nếu mật thư được viết theo một hệ thống hiển nhiên ta thấy không có phần ghi chú. Ví dụ khi nhận được mật thư gồm toàn những ký hiệu chấm và gạch, trại sinh cần hiểu ngay đó là ký hiệu MORSE ( hệ thống thay thế ) .
Nếu mật thư được viết theo một hệ thống nào đó khi nhận ra người biên soạn sẽ ghi chú thêm “ chìa khóa “ bằng giọng ỡm ờ, nửa kín nửa hở để giúp người giải mật thư đoán biết được hệ thống.

Ví dụ : chìa khóa bò đã bằng tuổi dê có nghĩa là B = D

tiếp tục tính ra C = E, D = F …… ( hệ thống thay thế )

- chìa khóa : tiến vào thành Cổ Loa có nghĩa là các tiếng của mật thư được xếp đặt theo hình xoắn ốc từ ngoài hướng dần vào tâm ( hệ thống dời chỗ ). Như thế trong trường hợp này chìa khoá và hệ thống là một.

Nếu mật thư thuộc loại chính quy, có đầy đủ hệ thống và chìa khóa đúng nghĩa như trường hợp THU DỌN LỀU TRẠI NGAY BÂY GIỜ nói trên, người biên soạn sẽ ghi chú đầy đủ 2 phần : Mật thư đếm cột dọc ( nghĩa là hệ thống dời chỗ, kiểu đếm cột dọc ) và chìa khóa CAM RANH (chìa khoá đúng nghĩa).

A. YÊU CẦU MẬT THƯ.

Mật thư muốn đạt yêu cầu thì cần phải có những yếu tố sau :
Phù hợp vối trình độ trí tuệ và kinh nghiệm giải mật thư của trại sinh. Tuy nhiên dù ở mức nào đi nữa, mật thư luôn luôn cần có tính cách bí ẩn khiến người chơi phải động não. Mật thư nào đã chơi ở buổi trại trước rồi lần này muốn sử dụng lại nên thay đổi một vài chi tiết cơ bản. Ví dụ ký hiệu MORSE với những ký hệu chấm gạch quá quen thuộc, ta có thể biến thể bằng cách thay chấm với gạch bằng nốt nhạc ngắn với nốt nhạc dài, bằng trăng khuyết với hình trăng tròn, một màu hồng nhạt với vệt màu đỏ sậm ………
Phù hợp với lứa tuổi và tâm lý trại sinh, nội dung mật thư cho học sinh cấp 2 hồn nhiên và năng động tất nhiên phải khác với mật thư cho buổi trại giao lưu kết bạn vốn hướng đến tình bạn, tình yêu.
Phù hợp với hoàn cảnh và nơi chốn sinh hoạt, đã từng có trường hợp nội dung mật thư yêu cầu trại sinh bắt nộp …… 10 con ruồi, nhưng địa điểm cắm trại lại hiếm ruồi làm cuộc chơi bị khựng lại mất vui. Ở Thảo Cầm Viên có đông khách tham quan, mật thư giấu ở gốc cây hay chuồng thú thường rất dễ bị lấy mất.
Phù hợp với mục đích, yêu cầu và thời gian của toàn buổi trại.
Chính xác, rõ ràng đang giữa cuộc chơi rất khó điều chỉnh mật thư . có trường hợp không điều chỉnh được. Nếu có điều kiện nên đánh máy tất cả các mật thư để tránh nhầm lẫn giữa u với n, e với c ………

B. MẬT THƯ TIẾNG VIỆT

Tiếng Việt có 5 dấu thanh : sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và các nguyên âm, phụ âm đặc biệt : Ô – Ơ – Â – Ă – Ư – Đ

Mật thư thuộc hệ thống thay thế thường dùng cách viết dấu theo quy ước điện tín.

S : dấu sắc

F : dấu huyền

R : dấu hỏi

X : dấu ngã

J : dấu nặng


DD = Đ

OO = Ô

EE = Ê

AA = Â

AW = Ă

OW = Ơ

UW = Ư

UOW = ƯƠ

Ví dụ : Mật thư : 4 – 21 – 23 – 14 – 7 – 6 – 12 – 1 – 9 – 10/AR

Chìa khóa : A = 1

Giải : DUWNGF LAIJ ( DỪNG LẠI )

Mật thư thuộc hệ thống dời chỗ và ẩn giấu có thể không cần dùng mẫu tự thay dấu.

Ví dụ : Mật thư NÊL GNẮ GỐC

Chìa khóa : Đi giật lùi ( = đọc ngược )

Giải : CỐ GẮNG LÊN

Bảng chữ cái đầy đủ gồm 26 chữ cái, nhưng một số mật mã thuộc hệ thống thay thế sử dụng bảng vuông chỉ có 25 ô, khi ấy bỏ bớt mẫu tự Z mà không ảnh hưởng gì đến việc soạn thảo bản tin đầy đủ dấu. ( Đối với các thứ tiếng phương tây như Anh, Pháp…… người ta không bỏ Z nhưng bỏ J và hiểu I = J )

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhGR5TlsytExNLmEsHtfhVkrokmxiOyt0m2cBYyL6cktsa_uVRkjHSObI-Fdznj95QlfxMhl4N4b7QX8AsREwb3rfGi_Bp8J9HJh97Rl1mKnUs4FJuZKqI7hZ_rWPCE78bi2dnfQEQaKWQ/s1600/25.bmp



Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thiet ke nha dep nha pho depbiet thu dep